Thuốc kê đơn ETC – (Ethical drugs, prescription drugs, Prescription only medicine)
Mã ATC (Anatomical Therapeutic Chemical): J01CR02.
Brand name: Pms Bactamox.
Generic : Amoxicillin + Sulbactam, Sumakin, Trifamox
2. Dạng bào chế Hàm lượng: Dạng thuốc và hàm lượng
Viên bao phim Amoxicilin/sulbactam 500/125mg; 500/250mg; 500/500mg; 875/125mg
Thuốc bột uống: 250/250 mg; 250/125 mg; 500/125 mg
► Kịch Bản: PharmogTeam
► Youtube: https://www.youtube.com/c/pharmog
► Facebook: https://www.facebook.com/pharmog/
► Group : Hội những người mê dược lý
► Instagram : https://www.instagram.com/pharmogvn/
► Website: pharmog.com
4. Ứng dụng lâm sàng: 4.1. Chỉ định:
Điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm:
Nhiễm khuẩn vùng miệng và đường hô hấp: viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amidan, viêm họng, viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phổi, viêm phế quản,… (đặc biệt trong những trường hợp nặng hay tái phát).
Nhiễm khuẩn ổ bụng, nhiễm khuẩn phụ khoa.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: đặc biệt trong các trường hợp viêm bàng quang tái phát hoặc có biến chứng.
Nhiễm khuẩn da và mô mềm: viêm mạch bạch huyết, viêm mô tế bào, các vết thương hở hoặc mất mô, áp xe chân răng và miệng do tụ cầu vàng.
Những nhiễm trùng phối hợp gây nên bởi các vi khuẩn nhạy cảm với amoxicilin và do những vi khuẩn sản sinh ra beta-lactamase nhạy cảm với chế phẩm amoxicilin kết hợp với sulbactam đều có thể điều trị bằng Amoxicilin + Sulbactam đơn độc mà không cần phải sử dụng thêm bất kỳ chế phẩm kháng sinh nào khác.
Nên cần tiến hành những thử nghiệm vi khuẩn thích hợp (phân lập và thử độ nhạy cảm của vi khuẩn) trước khi bắt đầu điều trị để xác định vi khuẩn gây bệnh và độ nhạy của vi khuẩn đối với Amoxicilin + Sulbactam.
Nên bắt đầu điều trị trước khi có kết quả kiểm tra vi khuẩn nếu có lý do nghi ngờ nhiễm trùng do các vi khuẩn sinh beta-lactamase gây nên. Khi đã có kết quả kiểm tra vi khuẩn học có thể điều chỉnh phác đồ điều trị cần thiết.
4.2. Liều dùng Cách dùng:
Cách dùng : Dùng uống.
Liều dùng:
Liều thông thường cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi: 1 viên (Amoxicilin + Sulbactam 1000 hoặc Amoxicilin + Sulbactam 750) mỗi 8 giờ hoặc mỗi 12 giờ (Amoxicilin + Sulbactam 1g), hoặc 1-2 viên x 2 lần/ngày (Amoxicilin + Sulbactam 625); hoặc 2-4 gói x 2 lần/ngày (Amoxicilin + Sulbactam 250/250) hoặc x 2-3 lần/ngày (Amoxicilin + Sulbactam 250/125); hoặc 1-2 gói x 2-3 lần/ngày (Amoxicilin + Sulbactam 500/125).
Trẻ em dưới 12 tuổi (dùng thuốc bột uống): 75-100 mg amoxicilin/kg, chia 2-3 lần/ngày.
Bệnh nhân suy thận: dùng theo sự chỉ dẫn của bác sỹ hoặc giảm liều theo hệ số thanh thải creatinine (tính theo hàm lượng amoxicilin).
10mL/phút < Clcr < 30mL/phút: 500 mg mỗi 12 giờ.
Clcr < 10mL/phút: 500 mg mỗi 24 giờ.
Bệnh nhân thẩm phân máu: 500 mg mỗi 24 giờ và thêm một liều bổ sung sau khi thẩm phân.
4.3. Chống chỉ định:
Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với penicilin hoặc các cephalosporin, hoặc sulbactam, hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Bệnh nhân có tiền sử bệnh đường tiêu hóa. Nhiễm khuẩn có tăng bạch cầu đơn nhân. Nhiễm virus Herpes, đang điều trị bằng allopurinol.
Phụ nữ có thai và cho con bú.
4.4 Thận trọng:
Các trường hợp thận trọng khi dùng thuốc
Phản ứng quá mẫn
Trước khi bắt đầu điều trị với amoxicilin/sulbactam, nên thận trọng tìm hiểu kỹ tiền sử dị ứng với penicilin, cephalosporin, sulbactam hoặc các beta-lactam khác.
Có thể xảy ra phản ứng quá mẫn nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong (bao gồm phản ứng phản vệ và phản ứng nghiêm trọng trên da) ở những bệnh nhân điều trị với liệu pháp penicilin. Những phản ứng này thường xảy ra ở những người có tiền sử dị ứng với penicilin, các kháng sinh beta-lactam và những người dị ứng. Nếu xảy ra phản ứng dị ứng, ngưng dùng liệu pháp amoxicilin/sulbactam và dùng liệu pháp thay thế phù hợp.
Vi khuẩn không nhạy cảm: Amoxicilin không phù hợp để điều trị một số loại nhiễm trùng trừ khi mầm bệnh đã được ghi nhận và được biết là dễ bị nhiễm khuẩn hoặc rất có khả năng mầm bệnh sẽ thích hợp để điều trị amoxicilin. Điều này đặc biệt được áp dụng khi xem xét điều trị bệnh nhân nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng nghiêm trọng ở tai, mũi và họng.
Co giật có thể xảy ra ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận hoặc ở những bệnh nhân dùng liều cao hoặc ở bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ (ví dụ như tiền sử co giật, đã được điều trị động kinh hoặc rối loạn màng não).
Nên tránh dùng amoxicilin/sulbactam nếu xảy ra phát ban do nghi ngờ xuất hiện bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn sau khi sử dụng amoxicilin/sulbactam.
Phản ứng Jarisch-Herxheimer: Sau khi điều trị bệnh Lyme bằng amoxicilin, có thể xảy ra phản ứng Jarisch-Herxheimer (hội chứng Sulfone). Nó là kết quả trực tiếp từ các hoạt tính diệt khuẩn của amoxicilin trên các vi khuẩn gây bệnh Lyme, các xoắn khuẩn Borrelia burgdorferi. Bệnh nhân cần được biết rằng đây là một kết quả thông thường và thường tự hạn chế của điều trị kháng sinh đối với bệnh Lyme.
Những bệnh nhân điều trị Amoxicilin + Sulbactam có thể bị bội nhiễm nấm hoặc vi khuẩn gây bệnh khác (chủ yếu do Pseudomonas hoặc Candida). Nếu xuất hiện bội nhiễm nên ngưng sử dụng và áp dụng các biện pháp điều trị thích hợp.
Sử dụng kéo dài amoxicilin/sulbactam đôi khi có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của các vi khuẩn không nhạy cảm.
Điều trị kéo dài: Phải định kỳ kiểm tra chỉ số huyết học, chức năng gan, thận trong suốt quá trình điều trị. Đã có báo cáo về sự tăng men gan (chủ yếu là glutamic-oxalacetic transaminase) và thay đổi trong công thức máu.
Thuốc chống đông máu: Hiếm khi xảy ra kéo dài thời gian prothrombin ở những bệnh nhân điều trị bằng amoxicilin. Nên kiểm tra thường xuyên khi sử dụng đồng thời với thuốc chống đông máu. Nếu cần thiết có thể điều chỉnh liều thuốc chống đông máu để duy trì mức độ chống đông máu mong muốn.
Sỏi niệu: Ở những bệnh nhân điều trị bằng đường tiêm, hiếm khi xảy sỏi niệu ở bệnh nhân tiểu ít. Khi dùng liều cao amoxicilin, nên duy trì lượng dịch xuất nhập để giảm thiểu hiện tượng sỏi niệu do amoxicilin. Ở những bệnh nhân đặt ống thông bàng quang, phải kiểm tra thường xuyên để tránh hiện tượng kết tủa gây tắc ống.
Các xét nghiệm chuẩn đoán
Nồng độ cao amoxicilin trong huyết thanh và nước tiểu có ảnh hưởng nhất định đến các kết quả xét nghiệm. Do nồng độ cao amoxicilin trong nước tiểu, thường gây kết quả dương tính giả đối với các phản ứng hóa học. Trong quá trình điều trị bằng amoxicilin, xét nghiệm glucose trong nước tiểu nên được thực hiện bằng phương pháp dùng enzym glucose oxidase.
Amoxicilin có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm oestriol ở phụ nữ mang thai. Giảm nhẹ trong mối liên hệ về nồng độ giữa estriol và estrone với hàm lượng estradiol trong huyết thanh. Nên sử dụng các biện pháp tránh thai hỗ trợ đối với bệnh nhân nữ đang áp dụng liệu pháp tránh thai estrogen hoặc progestin.
Thận trọng đối với người lớn tuổi, trẻ em.
Thận trọng cho người lái xe hoặc vận hành máy móc.
Các dấu hiệu cần lưu ý và khuyến cáo
Bệnh nhân không dung nạp một loại penicilin nào đó có thể cũng không dung nạp những thuốc ở nhóm khác.
Bệnh nhân không dung nạp cephalosporin, cephamycin, griseofulvin hoặc penicilamin có thể không dung nạp penicilin.
Bệnh nhân suy thận; phát ban hoặc dị ứng trên da.
Bệnh nhân đang uống và đã uống những thuốc trong thời gian gần đây, đặc biệt là methotrexat, alopurinol, probenecid, tetracyclin và các thuốc kháng khuẩn khác, thuốc chống đông máu, vắc xin thương hàn.
Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc.
Cần thận trọng khi sử dụng cho các đối tượng lái xe và vận hành máy móc.
4.5 Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú: Xếp hạng cảnh báo
AU TGA pregnancy category: NA
US FDA pregnancy category: NA
Thời kỳ mang thai:
Thận trọng đối với phụ nữ có thai và cho con bú vì các nghiên cứu trên người chưa được thực hiện.
Phụ nữ có thai: Chưa thấy độc tính đối với thai nhi, tuy nhiên chỉ nên sử dụng Amoxicilin + Sulbactam khi đã đánh giá lợi ích của việc sử dụng đối với nguy cơ có thể đối với thai nhi.
Thời kỳ cho con bú:
Phụ nữ cho con bú: Amoxicilin được bài xuất vào trong sữa mẹ. Mặc dù chưa xác định được những nguy cơ rõ ràng nhưng khi sử dụng cho các bà mẹ đang cho con bú có thể làm cho bé trở nên nhạy cảm, đi ngoài, nhiễm nấm và ban đỏ ngoài da.
4.6 Tác dụng không mong muốn (ADR): Thường gặp, 1/100 ≤ ADR < 1/10:
Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khó tiêu, đau thượng vị,…
Rối loạn da và mô dưới da: phát ban da.
Ít gặp, 1/1000 ≤ ADR < 1/100:
Rối loạn da và mô dưới da: nổi mề đay và ngứa.
Phản ứng dị ứng: nổi mày đay, phù quincke, dát sần, rối loạn hô hấp và hiếm hơn có thể gặp sốc phản vệ.
Viêm thận kẽ.
Phản ứng huyết học: giảm bạch cầu có hồi phục (bao gồm giảm bạch cầu nghiêm trọng hoặc mất bạch cầu hạt), giảm tiểu cầu có thể đảo ngược và thiếu máu tán huyết, kéo dài thời gian chảy máu và thời gian prothrombin.
Gan: rối loạn chức năng gan.
Nhiễm nấm Candida ở miệng hoặc ở vị trí khác như là biểu hiện của việc biến đổi cân bằng vi khuẩn.
Thần kinh: tăng hoạt động, lo âu, mất ngủ, thay đổi hành vi.
Rối loạn da và mô dưới da: các phản ứng trên da như hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử da nhiễm độc, bóng nước toàn thân và viêm da tróc vẩy, ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP) và phản ứng thuốc với chứng tăng bạch cầu ái toan và các triệu chứng toàn thân (DRESS).
Rất hiếm gặp, < 1/10000:
Nhiễm trùng và ký sinh trùng: bệnh da và niêm mạc do Candida.
Rối loạn hệ miễn dịch: các phản ứng dị ứng nặng bao gồm phù thượng vị, chứng quá mẫn, bệnh huyết thanh và viêm mạch máu nhỏ quá mẫn.
Rối loạn hệ TKTW: chóng mặt và co giật.
Rối loạn hệ gan-mật: viêm gan và vàng da ứ mật; tăng trung bình AST và/hoặc ALT.
Rối loạn hệ tiết niệu và thận: sỏi niệu.
Tần suất chưa biết:
Rối loạn hệ miễn dịch: phản ứng Jarisch-Herxheimer.
Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc. 4.7 Hướng dẫn cách xử trí ADR:
Ngừng sử dụng thuốc. Với các phản ứng bất lợi nhẹ, thường chỉ cần ngừng thuốc. Trường hợp mẫn cảm nặng hoặc phản ứng dị ứng, cần tiến hành điều trị hỗ trợ (giữ thoáng khí và dùng epinephrin, thở oxygen, dùng kháng histamin, corticoid…).
4.8 Tương tác với các thuốc khác:
Alopurinol: Dùng đồng thời với alopurinol trong khi điều trị với amoxicilin có thể làm tăng khả năng xảy ra các phản ứng dị ứng trên da.
Probenecid: Không nên dùng đồng thời với probenecid, sẽ làm giảm bài tiết amoxicilin và sulbactam ở ống thận. Dùng đồng thời probenecid có thể dẫn đến tăng và kéo dài lượng amoxicilin và sulbactam trong máu.
Chloramphenicol, macrolide, sulfonamide và tetracycline: Tetracyclin và các thuốc kháng khuẩn khác có thể cản trở/ có đối kháng tác dụng diệt khuẩn của penicilin.
Thuốc chống đông máu: Thuốc chống đông máu và kháng sinh nhóm penicilin đã được sử dụng rộng rãi trong thực tế mà không báo cáo về sự tương tác. Tuy nhiên, trong các tài liệu, có những trường hợp tăng chỉ số bình thường hóa quốc tế ở bệnh nhân được duy trì trên acenocoumarol hoặc warfarin và đã chỉ định một đợt điều trị amoxicilin. Nếu cần điều trị đồng thời, cần theo dõi cẩn thận thời gian prothrombin hoặc chỉ số bình thường hóa quốc tế bằng cách bổ sung hoặc ngưng dùng amoxicilin. Hơn nữa, nếu cần thiết có thể điều chỉnh liều thuốc chống đông đường uống.
Methotrexat: Các penicilin có thể làm giảm bài tiết của methotrexat và sulbactam có thể làm tăng nồng độ/tác dụng của methotrexat, do đó làm tăng độc tính của thuốc.
Vắc xin thương hàn: Vắc xin thương hàn bị bất hoạt bởi các thuốc kháng khuẩn. Sulbactam làm giảm nồng độ/tác dụng của vắc xin thương hàn.
Cận lâm sàng: Amoxicilin có thể ảnh hưởng đến giá trị protein huyết thanh toàn phần hoặc phản ứng dương tính giả trong xét nghiệm glucose trong nước tiểu bằng phản ứng màu. Nồng độ amoxicilin cao có thể làm giảm glucose máu.
4.9 Quá liều và xử trí:
Quá liều: Hiện nay, chưa có báo cáo về các trường hợp dùng quá liều amoxicilin-sulbactam.
Trong trường hợp dùng quá liều, ngừng dùng thuốc ngay và sử dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ.
Có thể gây nôn, rửa dạ dày nếu mới quá liều, trừ khi chống chỉ định.
Không có thuốc giải độc đặc hiệu, có thể được loại bỏ bằng thẩm phân máu.
5. Cơ chế tác dụng của thuốc : 5.1. Dược lực học:
Amoxicilin + Sulbactam là thuốc có tác dụng diệt khuẩn đối với các vi khuẩn nhạy cảm với amoxicilin, sự phối hợp amoxicilin với sulbactam giúp cho amoxicilin không bị beta-lactamase phá hủy.
Amoxicilin, một kháng sinh bán tổng hợp nhóm beta-lactam, có tác dụng diệt khuẩn phổ rộng chống lại nhiều loại vi khuẩn gram dương và gram âm, cả vi khuẩn hiếu khí và kỵ khí. Tuy nhiên, sự nhạy cảm của nó bị giảm sút bởi men beta-lactamase do đó phổ nhạy cảm của thuốc thường không bao gồm các chủng vi khuẩn có khả năng sinh ra men beta-lactamase.
Sulbactam, một chất ức chế cạnh tranh không thuận nghịch beta-lactamase mạnh, cho thấy thực chất tác dụng diệt khuẩn của nó là hạn chế ngoại trừ đối với Neisseriaceae và Acinetobacter. Tuy nhiên nó có khả năng ức chế không thuận nghịch với men beta-lactamase khác nhau tìm thấy ở những chủng vi khuẩn kháng lại penicilin và các cephalosporin. Do vậy sulbactam có thể khôi phục lại tác dụng diệt khuẩn của amoxicilin đối với những vi khuẩn kháng thuốc do có khả năng sinh men beta-lactamase. Đặc biệt nó có thể biểu hiện tác dụng ức chế men beta-lactamase, là nguyên nhân gây nên những chủng vi khuẩn kháng thuốc có thể chuyển đổi và có đáp ứng rất tốt trên lâm sàng. Sulbactam không làm thay đổi các tác dụng của amoxicilin đối với các chủng nhạy cảm. Sự có mặt của sulbactam trong thành phần Amoxicilin + Sulbactam làm tăng tác dụng của amoxicilin đối với những chủng vi khuẩn kháng thuốc khi điều trị đơn độc amoxicilin hoặc phối hợp với các thuốc kháng sinh thuộc nhóm beta-lactam khác.
Sự phối hợp này có tính hiệp lực làm tăng tác dụng và mở rộng phổ kháng khuẩn của amoxicilin với các chủng vi khuẩn sinh beta-lactamase:
Vi khuẩn nhạy cảm
Vi khuẩn ưa khí Gram dương: Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes, Streptococcus faecalis (cầu khuẩn đường ruột), Streptococcus viridans, Staphylococcus aureus (kể cả dòng vi khuẩn sinh beta-lactamase), Staphylococcus epidermidis (tụ cầu tan máu, không tạo penicilinase), Staphylococcus saprophyticus, Streptococci nhóm A, B, C và G, Streptococci viridans và một vài chủng Enterococci, Corynebacterium diptheriae, Listeria monocytogenes, Bacillus anthracis, Erysipelothrix rhusiopathiae, một vài chủng Nocardia (mặc dù đa số đã kháng).
Vi khuẩn ưa khí Gram âm: Neisseria gonorrhoeae, và N. gonorrhoeae (không tạo penicilinase), Haemophilus influenzae và một vài chủng H. Parainfluenzae và H. Ducreyi, một số chủng Enterobacteriaceae, Proteus mirabilis, Salmonella và Shigella, P. vulgaris, Enterobacter aerogenes, Citrobacter freundii, Vibrio cholerae, Helicobacter pylori, Bordetella pertussis, Acinobacillus, Pasteurella multocida, Gardnerella vaginalis (Haemophilus vaginalis), Moraxella catarrhalis (Brahamella catarrhalis) không tạo beta-lactamase, các chủng Acinetobacter, E.coli, Proteus mirabilis, các chủng Klebsiella bao gồm cả Klebsiella pneumoniae.
Vi khuẩn kỵ khí: các chủng Bacteroides kể cả B. fragilis, Actinomyces, Arachnia, Bifidobacterium, Clostridium tetani, C. Perfringens, Eubacterium, Lactobacillus, Peptococccus, PeptoStreptococcus và Propionibacterium, Fusobacterium.
Xoắn khuẩn: Treponema pallidum, Borelia burgdoferi gây bệnh Lyme.
Vi khuẩn nhạy cảm vừa
Vi khuẩn ưa khí Gram dương: Enterococcus faecium.
Vi khuẩn kháng thuốc
Vi khuẩn ưa khí Gram dương: tụ cầu (Staphylococcus aureus).
Vi khuẩn ưa khí Gram âm: Acinobacter alcaligenes, Moraxella catarrhalis tạo beta-lactamase, Campylobacter, Citrobacter freundii, Citrobacter koseri, Enterobacter, Klebsiella oxytoca, Klebsiella pneumoniae, Legionella, Morganella morganii, Proteus rettgeri, Proteus valgaris, Providencia, Pseudomonas, Seratia, Yersinia enterocolitica.
Vi khuẩn kỵ khí: Bacteroides fragilis.
Vi khuẩn khác: Mycobacterium, Mycoplasma, Rickettsia.
Kháng chéo hoàn toàn thường xảy ra giữa amoxicilin và ampicilin.
Cơ chế tác dụng:
Cơ chế tác dụng của amoxicillin là ức chế quá trình sinh tổng hợp protein của thành tế bào vi khuẩn, dẫn đến tiêu diệt vi khuẩn. Thuốc có tác dụng diệt khuẩn trong suốt quá trình phân chia của vi khuẩn nhạy cảm.
Sulbactam là một chất ức chế cạnh tranh không thuận nghịch với beta-lactamase.
[XEM TẠI ĐÂY] 5.2. Dược động học:
Lượng amoxicilin được hấp thu khi uống là xấp xỉ 80% và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Nồng độ đỉnh trung bình trong huyết thanh đạt được vào khoảng 1-2 giờ sau khi uống. Ở những người có chức năng thận bình thường, thời gian bán hủy trung bình trong huyết thanh xấp xỉ 1 giờ. Amoxicilin được phân bố hầu hết các mô trong cơ thể và các dịch sinh học, nồng độ thuốc điều trị đạt được ở dịch tiết phế quản, dịch mũi xoang và màng ối, nước bọt, thể dịch, dịch não tủy, dịch xuất tiết ở các màng và tai giữa. Khoảng 20% lượng thuốc được gắn kết với protein của huyết tương.
Thuốc được bài tiết chủ yếu ở nước tiểu dưới dạng hoạt động (70-80%) và vào trong dịch mật (5-10%). Amoxicilin qua được hàng rào nhau thai và được bài tiết vào trong sữa mẹ.
Khi dùng sulbactam ngoài đường tiêu hóa cho thấy sinh khả dụng của thuốc gần như 100%, tuy nhiên nếu dùng theo đường uống sự hấp thu của đường tiêu hóa là không hoàn toàn. Để cải thiện khả năng hấp thu, một vài tiền chất đã được tổng hợp, trong số đó sulbactam pivoxil có khả năng hấp thu tốt nhất.
Dược động học của sulbactam tương tự với amoxicilin và khi dùng đồng thời không có tương tác về động lực giữa các thuốc.
Nồng độ đỉnh trong huyết thanh của sulbactam cũng đạt được cùng thời điểm như amoxicilin và những giá trị nồng độ đỉnh cũng phụ thuộc vào liều dùng.
Tỷ lệ gắn kết với protein trong huyết tương xấp xỉ 40%. Nó cũng chủ yếu được bài tiết vào trong nước tiểu dưới dạng không thay đổi (75-85%).
Thời gian bán hủy của thuốc trong huyết thanh xấp xỉ 1 giờ, đối với những bệnh nhân suy thận nặng, bài tiết của thuốc sẽ chậm xuống.
Thuốc cũng qua được hàng rào nhau thai và được bài tiết vào sữa mẹ.
5.3 Giải thích:
Chưa có thông tin. Đang cập nhật.
5.4 Thay thế thuốc :
Chưa có thông tin. Đang cập nhật.
6.2. Tương kỵ :
Không áp dụng.
6.3. Bảo quản:
Nơi khô, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30°C.
6.4. Thông tin khác :
Không có.
Hoặc HDSD Thuốc.